
HTKHTTCCG: Phòng Ngừa Bệnh Do Não Mô Cầu: Hiện Thực Hóa Các Khuyến Cáo Cho Thực Hành Lâm Sàng

Ngày 11/9/2021, Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam với sự tài trợ của Sanofi Aventis Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến cấp chuyên gia: "Phòng ngừa Bệnh do não mô cầu: Hiện thực hóa các khuyến cáo cho Thực hành lâm sàng". Tham dự hội thảo là hơn 50 chuyên gia trong các chuyên ngành Nhiễm, Nhi và Y Học Dự Phòng từ các Viện, Bệnh viện, các Trung tâm y tế dự phòng trong cả nước. GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt nam làm Chủ tọa và điều hành Hội thảo.
Bệnh do não mô cầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao hoặc mặc dù có thể sống sót nhưng có thể mang những di chứng nặng nề như cụt chi, liệt, tổn thương não điều này làm ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.
Vắc xin não mô cầu xuất hiện đầu tiên trong những năm 1970, ban đầu chỉ là vắc xin đơn giá polysaccharide đến nay chúng ta có nhiều loại vắc xin Não mô cầu từ nhị giá và tứ giá, từ công nghệ polysaccharide cho đến công hợp. Trong đó vắc xin cộng hợp được đánh giá là tiên tiến và tốt hơn. Ở Việt Nam hiện nay đang lưu hành 2 loại vắc xin não mô cầu nhưng chưa có những khuyến cáo rõ ràng về khoảng cách giữa 2 loại vắc xin này cũng như sự phù hợp lứa tuổi cần tiêm. Do đó, Hội thảo đã đặt ra các câu hỏi để các chuyên gia tham dự có thể thảo luận để từ đó có thể đưa ra các đồng thuận trong việc hiện thực hóa các khuyến cáo trong thực hành chủng ngừa vắc xin não mô cầu ở Việt Nam.
Báo cáo chuyên đề 1: Gánh nặng bệnh do não mô cầu và sự cần thiết của việc chủng ngừa (Báo cáo viên: BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện nhi đồng 1, Tp. Hồ Chí Minh).
Báo cáo viên đã điểm qua về sự nguy hiểm của bệnh não mô cầu như Bệnh diễn tiến nhanh, khó chẩn đoán sớm, có thể tử vong trong vòng 24 giờ nếu không điều trị kịp thời; hoặc sống sót nhưng với các di chứng nặng nề suốt đời như liệt, điếc, cụt chi, tổn thương não, chậm phát triển tinh thần. Về thông tin dịch tễ, ước tính có khoảng 10 – 20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng), tỷ lệ này có thể tăng đến 40-50% trong các vụ dịch. Về đối tượng mắc, ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường gặp nhất trên trẻ em dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên và người già. Báo cáo viên cũng đã cung cấp số liệu tỷ lệ mắc ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Theo thống kê năm 2017, tỷ lệ mắc nhiều nhất ở Hoa Kỳ và Châu Âu nhiều nhất vẫn là trẻ em từ 1-4 tuổi, tiếp đến là thanh thiếu niên và người già. Về gánh nặng bệnh tật, Báo cáo viên đã cung cấp các nghiên cứu cho thấy Bệnh do não mô cầu xâm lấn không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tiêm phòng vẫn là biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất.
Báo cáo chuyên đề 2: Tác động của các chương trình phòng ngừa não mô cầu bằng vắc xin cộng hợp trên thế giới (Báo cáo viên: TS. BS. Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương).
Bài trình bày cung cấp thông tin về các chiến lược phòng ngừa não mô cầu chủ yếu, đó là: bảo vệ các nhóm đối tượng nguy cơ cao và nhóm hay mắc (trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên). Bảo vệ rộng bằng các vắc xin đa giá để phòng các nhóm huyết thanh mới xuất hiện. Báo cáo viên cũng đã giới thiệu kết quả đạt được của nhiều quốc gia trong kiểm soát và phòng ngừa bệnh do não mô cầu bằng vắc xin cộng hợp và đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do não mô cầu ở các quốc gia này. Phần trình bày cũng cho thấy xu hướng của các quốc gia trong việc sử dụng vắc xin cộng hợp và vắc xin đa giá đặc biệt trong bối cảnh sự nổi lên của các nhóm huyết thanh như W và Y.
Phiên thảo luận mở: Chuyển đổi giữa các vắc xin não mô cầu và lịch tiêm phù hợp ở trẻ dưới 2 tuổi (Điều phối: PGS.TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TP. HCM). Mở đầu PGS. Cao Hữu Nghĩa nhắc lại về các loại vắc xin não mô cầu trên thế giới, các đặc tính khác biệt giữa vắc xin cộng hợp và vắc xin polysaccharide cũng như giới thiệu 2 loại vắc xin não mô cầu đang lưu hành là (1) MenACWY-D (Vắc xin tứ giá cộng hợp 4 nhóm huyết thanh) và (2) MenBC (vắc xin 2 thành phần nhóm huyết thanh B (công nghệ ngoài màng) và C (polysaccharide)), tiếp đến là các khuyến cáo và cơ sở cho việc chuyển đổi, khoảng cách giữa các vắc xin não mô cầu. Phần thảo luận gồm có:
Thảo luận về mức độ nguy hiểm và gánh nặng của Bệnh do não mô cầu, lịch tiêm phù hợp vắc xin não mô cầu tứ giá ở trẻ dưới 2 tuổi:
Một số đặc điểm của Bệnh do não mô cầu và lịch tiêm vắc xin não mô cầu ở trẻ nhỏ:
Bệnh do não mô cầu rất nguy hiểm, bệnh diễn tiến nhanh, có thể tử vong trong vòng 24 giờ hoặc sống sót với di chứng nặng nề suốt đời.
Bệnh có tỷ lệ người lành mang trùng cao, 10-20% người lành mang trùng trong cộng đồng thậm chí lên đến 40-50% ở các khu vực có dịch, nguy cơ lây truyền bệnh từ người lành mang trùng cao.
Đối tượng hay mắc theo y văn và các thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ mắc nhiều nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Lịch tiêm vắc xin cho các lứa tuổi thì nhóm từ 9 tháng tuổi không dày đặc như nhóm dưới 6 tháng tuổi.
Thế giới đã có các vắc xin não mô cầu tứ giá (MenACWY) có thể tiêm từ sớm cho trẻ từ 2 tuổi, nhưng theo khuyến cáo của WHO, lịch tiêm MenACWY bắt đầu từ 9 tháng tuổi.
Khảo sát ý kiến về mức độ đồng thuận của các chuyên gia tham gia tại Hội thảo:


Thảo luận về khoảng cách tối thiểu giữa MenACWY-D và MenBC
Do hiện nay trên thế giới chưa có khuyến cáo cụ thể về khoảng cách tối thiếu giữa MenBC và MenACWY-D mà chỉ có các khuyến cáo giữa vắc xin não mô cầu dựa vào nhóm huyết thanh như bảng bên dưới.
Vắc xin có thành phần nhóm huyết thanh | Khuyến cáo khoảng cách tối thiểu | Nơi khuyến cáo |
Nhóm B & Nhóm A, C, W, Y | Không cần khoảng cách, có thể tiêm cùng, trước hoặc sau | ACIP Hoa Kỳ |
Nhóm C cộng hợp & Nhóm A, C, W, Y cộng hợp | Không cần khoảng cách 4 tuần 8 tuần | Hoa Kỳ Canada New Zealand |
Nhóm A, C polysaccharide & Nhóm A, C, W, Y cộng hợp | 2 tháng Không khuyến cáo dùng Vắc-xin não mô cầu polysaccharide làm liều nhắc. | Philippines |
Cơ sở khoa học cho sự chuyển đổi, khoảng cách tối thiểu giữa MenACWY-D và MenBC:
+ Nguyên tắc chung về chủng ngừa (CDC Hoa Kỳ, Hội Y học dự phòng Việt Nam): vắc xin não mô cầu polysaccharide và cộng hợp là vắc xin bất hoạt nên có thể tiêm đồng thời, trước hoặc sau với các vắc xin sống hoặc bất hoạt khác.
+ Khuyến cáo của Ủy ban tư vấn và thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP Hoa Kỳ): vắc xin não mô cầu nhóm huyết thanh B thì có thể tiêm cùng lúc hoặc bất cứ khi nào với các nhóm huyết thanh A, C, W và Y.
+ Khuyến cáo của WHO: Vắc xin não mô cầu nhóm huyết thanh C polysaccharide thì hầu như không sinh miễn dịch hoặc rất ít sinh miễn dịch ở trẻ dưới 2 tuổi.
+ Khuyến cáo của Bang New York, Hoa Kỳ: tiêm không cần khoảng cách giữa vắc xin não mô cầu nhóm huyết thanh C và vắc xin tứ giá MenACWY.
+ Khuyến cáo của Vương quốc Anh: có thể tiêm vắc xin tứ giá cộng hợp MenACWY và MenC với khoảng cách bất kỳ. Vắc xin MenACWY polysacharide và Vắc xin MenACWY cộng hợp có thể thêm không cần khoảng cách.
Khảo sát ý kiến, đa số các chuyên gia tham dự Hội thảo đã đồng thuận không cần khoảng cách tối thiểu giữa MenACWY-D và MenBC (61%), khoảng cách tối thiểu là 4 tuần (16%), khoảng cách tối thiểu là 8 tuần (8%) và khoảng cách tối thiểu là 2 tháng (15%).
Khảo sát ý kiến về mức độ đồng thuận của các chuyên gia tham gia tại Hội thảo:

Kết luận Hội thảo:
GS. TS. Đặng Đức Anh, Chủ Tọa Hội thảo đã tóm tắt các nội dung chính được trình bày tại Hội thảo, các cơ sở khoa học và ý kiến của các chuyên gia, theo đó:
Bệnh do não mô cầu rất nguy hiểm, chủng ngừa vẫn biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.
Lịch tiêm vắc xin não mô cầu tứ giá MenACWY ở trẻ dưới 2 tuổi bắt đầu từ 9 tháng tuổi là phù hợp trong lịch tiêm của trẻ em trong nhóm tuổi này ở Việt Nam.
Dựa vào các cơ sở khoa học và theo đa số đồng thuận của các chuyên gia tham gia Hội thảo, khuyến cáo khoảng cách tối thiểu khi tiêm vắc xin tứ giá cộng hợp MenACWY-D và vắc xin MenBC ở Việt Nam có thể tiêm không cần khoảng cách tối thiểu giữa 2 vắc xin này.
Kết quả của Hội thảo chuyên gia lần này sẽ được tổng kết và báo cáo đến Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam để có thể sớm hiện thực hóa khuyến cáo trong thực hành vắc xin não mô cầu ở Việt Nam.
Các slides trình bày dưới dạng .pdf có thể xem ở đây.