Skip To Main Content
Đây là trang thông tin này dành riêng cho các chuyên gia y tế sinh sống và làm việc tại Việt Nam
Campus

HỘI THẢO KHOA HỌC TRỰC TUYẾN HỎI ĐÁP CÙNG CHUYÊN GIA: TƯ VẤN VẮC-XIN CÚM MÙA TỨ GIÁ GIỮA BỐI CẢNH COVID-19 (7/10/2021)

2 giờ

Hội Y học Dự Phòng Việt Nam, với sự tài trợ của Sanofi Việt Nam

Vào ngày 07 tháng 10 năm 2021, Hội Y học Dự Phòng Việt Nam, với sự tài trợ của Sanofi Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo Khoa học trực tuyến “Hỏi đáp cùng chuyên gia: Tư vấn vắc-xin Cúm mùa tứ giá giữa bối cảnh COVID-19” dưới sự chủ tọa của PGS. TS. BS Trần Ngọc Hữu – Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Tp. HCM, cung với sự tham gia của các báo cáo viên:

1. BS. CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC

2. ThS. BS. Trương Thọ Lộc – Bộ phận Y Khoa, Sanofi Pasteur

Nội dung của Hội thảo đề cập đến gánh nặng của bệnh Cúm mùa, lợi ích của vắc-xin Cúm mùa tứ giá trong phòng ngừa bệnh Cúm, những khuyến cáo và hướng dẫn từ các tổ chức y tế uy tín trên toàn cầu về tiêm vắc-xin ngừa Cúm mùa nhất là trong bối cảnh Covid-19; và dành phần lớn thời gian để giải đáp các thắc mắc trong thực hành tiêm chủng vắc-xin cúm mùa.

Xem video trình bày của BS. CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC

LỢI ÍCH CỦA VẮC-XIN CÚM MÙA TỨ GIÁ TRONG PHÒNG NGỪA BỆNH CÚM

BS. CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC

Gánh nặng bệnh tật của Cúm mùa

Cúm mùa là căn bệnh thường gặp nhưng là gánh nặng lớn về y tế - sức khỏe và cả kinh tế cho cá nhân và cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hằng năm có 5%–10% người lớn và 20%–30% trẻ em mắc cúm; 3–5 triệu ca cúm nặng và 291.000–646.000 ca tử vong liên quan đến cúm; tử vong thường xảy ra ở người từ 65 tuổi trở lên.1,2

Cúm mùa có thể gây ra những biến chứng trực tiếp hay gián tiếp. Các biến chứng trực tiếp trên hệ hô hấp bao gồm Cúm làm nặng lên hoặc gây ra các cơn hen cấp và đợt kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên các bệnh nhân đã có sẵn hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Cúm cũng có thể gây viêm phổi, viêm phế quản cấp, ở trẻ em thì dễ gây viêm xoang, viêm tai giữa cấp.1,3

Cúm có thể châm ngòi cho các đợt cấp nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não trên các bệnh nhân có xơ vữa động mạch trước đó. Đối với bệnh nhân nhân có sẵn bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, khi nhiễm cúm, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 6 lần trong vòng 1 tuần sau khi chẩn đoán mắc Cúm. Cúm có thể làm nặng thêm bệnh lý thận mạn tính hoặc tiếu đường.1,4

Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe, Cúm mùa còn gây ra những ảnh hưởng về kinh tế cá nhân và cộng đồng. Dịch cúm làm mất/giảm đáng kể ngày công. Dịch cúm khiến trẻ em phải nghỉ học, bố mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc con cái... Cúm mùa cũng là nguyên nhân chính gây quá tải ở phòng khám/bệnh viện.1

Các khuyến cáo /hướng dẫn về vắc-xin Cúm mùa

Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa nhiễm Cúm mùa và bệnh cảnh nặng do Cúm gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đều đưa ra khuyến cáo khuyến khích người dân/bệnh nhân: nên tiêm phòng vắc-xin Cúm mùa hằng năm.

Tổ chức Y tế thế giới WHO1,5 Bộ Y tế Việt Nam1,6
Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm là: Tiêm phòng vắc-xin hằng năm.
 
Các đối tượng ưu tiên bao gồm:
Phụ nữ có thai,
Trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi;
Người trên 65 tuổi;
Người có bệnh lý nền (tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim hay phổi mãn tính, HIV/AIDS);
Nhân viên y tế.
Quyết định 2078/QĐ-BYT3, ngày 23/6/2011, Ban hành Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị Cúm mùa nêu rõ: Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.
 
Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là:
Nhân viên y tế;
Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi;
Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…);
Người trên 65 tuổi.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây quá tải hệ thống y tế làm số ca tử vong vì Covid tăng cao, WHO khuyến cáo Cúm mùa có khả năng làm trầm trọng thêm vấn đề nên rất cần duy trì việc tiêm phòng Cúm mùa để làm giảm số ca mắc, giảm các ca cần nhập viện, qua đó giúp giảm quá tải kép lên hệ thống y tế.7

Sáng kiến Cúm toàn cầu cũng nhận định: “Dù tác động đầy đủ của việc lưu hành virus Cúm thấp hiện vẫn chưa rõ ràng, có khả năng xảy ra các vụ dịch Cúm bất thường và nghiêm trọng hơn với các mùa cúm trong tương lai”.7

Sự khác biệt giữa vắc-xin cúm mùa tứ giá (QIV) và vắc-xin cúm mùa tam giá (TIV)

Mặc dù có nhiều loại virus Cúm, chỉ có 4 phân tuýp hay dòng virus sau được xem là virus gây bệnh Cúm mùa: Cúm A/H1N1 pdm09; A/H3N2; B/Victoria và B/Yagamata.8 Cần lưu ý là cả 4 dòng virus cúm mùa đều có thể lưu hành đồng thời trong một mùa cúm. Sự lưu hành của các virus cúm thay đổi tùy theo từng vùng địa lý, từng quốc gia và rất khó dự báo chính xác.

TIV có chứa kháng nguyên của phân tuýp A/H1N1 pdm09; A/H3N2 và một trong hai dòng B/Victoria hay B/Yagamata, tùy theo khuyến cáo của WHO. Trong khi đó, đối với QIV, kháng nguyên của cả 2 dòng virus cúm B/Victoria hay B/Yamagata và 2 phân tuýp virus cúm A/H1N1 pdm09 và A/H3N2 đều được đưa vào vắc-xin.1

Bảng 1: Thành phần của vắc-xin tam giá (TIV) và vắc-xin tứ giá (QIV)

TIV QIV
1. A/H3N2
2. A/H1N1 pdm09
3. B/Yamagata
    hoặc B/Victoria
1. A/H3N2
2. A/H1N1 pdm09
3. B/Yamagata
4. B/Victoria

Theo WHO, QIV có thể cung cấp sự bảo vệ với các dòng virus cúm B rộng hơn, hiện đã sẵn có và các khuyến cáo về vắc-xin cúm mùa không nên chỉ hạn chế cho TIV.1,9

Việc thay thế TIV bằng QIV thực sự đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí ước tính trong 10 năm liên quan đến dự phòng, điều trị, nhập viện và tử vong ở các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh (Hình 1).10

Hình 1: Ước tính tiết kiệm chi phí 10 năm (khía cạnh xã hội) khi sử dụng QIV thay vì TIV ở một số quốc gia châu Âu.10

Vắc-xin cúm mùa tứ giá với hiệu quả bảo vệ rộng hơn vắc-xin tam giá, có tính an toàn và chỉ số lợi ích/chi phí cao đang là chuẩn mực mới trong phòng ngừa cúm mùa trên khắp thế giới. Hiện nay có trên 100 quốc gia đã sử dụng QIV thay thế dần cho TIV.1

Kết luận:

Bệnh cúm mùa do virus cúm A/H1N1pdm09, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata gây ra

Sự lưu hành đồng thời 2 loại vi rút cúm B/Victoria và B/Yamagata trong mùa cúm, không tiên liệu được làm hạn chế khả năng bảo vệ của vắc-xin tam giá hiện hành và vắc-xin tứ giá giúp tăng thêm hiệu quả bảo vệ.

Vắc-xin cúm mùa tứ giá an toàn và có nhiều giá trị gia tăng hơn khi so với vắc-xin tam giá nên đang là chuẩn mực mới trong phòng ngừa Cúm mùa trên khắp thế giới

THẢO LUẬN

Câu hỏi 1: Tại sao trước đây tiêm vắc-xin cúm mùa tam giá cho trẻ dưới 3 tuổi với liều 0.25ml, mà bây giờ thì được hướng dẫn dùng liều 0.5ml đối với vắc-xin cúm mùa tứ giá?

ThS.BS. Trương Thọ Lộc: Trước đây WHO có lưu ý nên chọn liều 0,25 mL cho trẻ em dưới 3 tuổi để giảm nguy cơ sốt quan sát thấy khi sử dụng vắc-xin bất hoạt toàn bào, và được áp dụng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, hiện nay vắc-xin cúm mùa toàn bào virus cúm không còn sản xuất và lưu hành.

Theo xu hướng chung của thế giới, vắc-xin cúm mùa tứ giá là vắc-xin bất hoạt, được chỉ định liều 0,5ml cho mọi lứa tuổi. Liều dùng 0,5ml giúp tạo đáp ứng miễn dịch cao hơn với hồ sơ an toàn tương đương so với vắc-xin cúm mùa tam giá. Liều dùng 0,5ml không chỉ giúp đơn giản hóa việc tiêm chủng hằng năm, giúp nhân viên y tế giảm sai sót trong thực hành mà còn giúp không cần bỏ 0,25ml liều dùng thừa và giúp bảo vệ môi trường.

Câu hỏi 2: Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi COVID-19 thì có cần tiêm vắc-xin Cúm nữa không?

BS. CKI. Bạch Thị Chính: Vắc-xin COVID-19 và vắc-xin Cúm là 2 loại khác nhau. Tiêm vắc-xin COVID-19 chỉ giúp ngừa COVID-19 chứ không giúp ngăn ngừa Cúm.

Bên cạnh đó, vì những gánh nặng bệnh tật do Cúm gây ra, đặc biệt trên các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người có bệnh nền; nên vẫn rất cần tiêm vắc-xin ngừa Cúm bên cạnh vắc-xin COVID-19. Và, trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không những chỉ vắc-xin Cúm, mà chúng ta cũng nên tiêm phòng các loại vắc-xin khác giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp để giúp giảm nguy cơ mắc Cúm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Từ đó, giúp tránh quá tải hệ thống y tế và giúp giảm số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm bao gồm COVID-19.

Câu hỏi 3: Hạn sử dụng của vắc-xin cúm mùa thường ngắn, chỉ đến tháng 12/2021, thì khi đến cận hạn có sử dụng được không?

ThS.BS. Trương Thọ Lộc: Để thành phần vắc-xin cúm mùa phù hợp với khuyến cáo thành phần vắc-xin cúm mùa hàng năm được đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới, thì hạn sử dụng vắc-xin cúm mùa thường ngắn, khoảng dưới 1 năm.​

Do quá trình phân phối, vận chuyển, xin giấy phép mất nhiều thời gian, nên khi vắc-xin cúm mùa đến tay người tiêu dùng thì có thể HSD đã gần hết. Nhưng đối với vắc-xin, chỉ cần vẫn còn trong HSD thì vắc-xin vẫn đảm bảo độ an toàn & hiệu quả.

TỔNG KẾT

PGS. TS. BS Trần Ngọc Hữu – Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Tp. HCM

Sau bài trình bày của BS. CKI Bạch Thị Chính và phần thảo luận cùng các chuyên gia, PGS. TS. BS Trần Ngọc Hữu đã đưa ra các nhận định để khép lại Hội thảo như sau:

Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ nhiễm Cúm. Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm cúm và có thể có nguy cơ biến chứng từ Cúm mùa rất cao, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đối với những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch từ trước, Cúm mùa có thể thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Trong bối cảnh Covid-19, bệnh cúm mùa có thể sẽ làm tăng thêm gánh nặng chăm sóc sức khỏe cũng như nguy cơ quá tải nguồn lực và dịch vụ y tế, vốn cần cho cả hai bệnh.

Tiêm vắc-xin ngừa cúm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc cúm, giúp giảm các trường hợp nhập viện do cúm, qua đó giúp giảm quá tải dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đang bị áp lực mạnh mẽ với COVID-19.

Việc có chứa kháng nguyên của 2 dòng virus Cúm A (H1N1 và H3N2) và 2 dòng virus Cúm B (Victoria và Yagamata) giúp cho vắc-xin cúm mùa tứ giá có thể cung cấp sự bảo vệ với các dòng virus Cúm B rộng hơn, và giúp cho hiệu quả phòng cúm tốt hơn so với vắc-xin cúm mùa tam giá trước đây.

Vắc-xin cúm mùa tứ giá an toàn và có nhiều giá trị gia tăng hơn khi so với vắc-xin cúm tam giá, nên đang là chuẩn mực mới trong phòng ngừa Cúm mùa trên khắp thế giới.

Tài liệu tham khảo

  1. Bài báo cáo của  BS. CKI Bạch Thị Chính tại Hội thảo Khoa học trực tuyến “Hỏi đáp cùng chuyên gia: Tư vấn vắc-xin Cúm mùa tứ giá giữa bối cảnh COVID-19” ngày 07/10/2021.
  2. WHO. Influenza (Seasonal). Fact SheetNo.211 http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs211/en/
  3. https://www.cdc.gov/flu/about/disease/high_risk.htm. Accessed on 14DEC2016
  4. https://cdc.gov/flu/heartdiseases/index.htm. Accessed on 14DEC2016
  5. WHO. Weekly epidemiological record No. 47, 2012, 87(47):461 (http://www.who.int/wer/2012/wer8747.pdf.)
  6. QĐ 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011
  7. https://www.who.int/news-room/q-a-detail/coronavirus-disease-(covid-19)-vaccines?adgroupsurvey={adgroupsurvey}&gclid=Cj0KCQjw0K-HBhDDARIsAFJ6UGjlDzH7jy9Lbv8mZ--IBAQA2psXNpp_vPHn5crw8rhnU3jCkdzwnfkaAsIOEALw_wcB
  8. https://www.cdc.gov/flu/about/viruses/types.htm
  9. Vaccines against influenza. WHO position paper-November 2012.
  10. https://www.who.int/influenza/gisrs_laboratory/flunet/en/