Skip To Main Content
  • Article
  • Source: Campus Sanofi

Tình Huống Lâm Sàng: Bí Tiểu Cấp Lần Đầu Do Tăng Sinh Lành Tính Tuyến Tiền Liệt

  • LUTS/BPH là bệnh lý thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi.
  • Mục tiêu điều trị của LUTS/BPH bao gồm: giảm triệu chứng, giảm tiến triển, nâng cao chất lượng sống và giới hạn tác dụng phụ của thuốc.
  • Thuốc chẹn alpha là lựa chọn đầu tay trong trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có triệu chứng và muốn điều trị.

(1) Nhập viện vì bí tiểu. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân cảm giác tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu phải rặn nhiều, tiểu xong còn cảm giác mắc tiểu, cảm giác thời gian đi tiểu lâu hơn trước. Bệnh nhân thường tiểu xong khoảng 1-2 giờ sau là cảm giác mắc tiểu lại, tiểu đêm 1-2 lần/đêm. Khoảng 3 tháng nay, tiểu khó tăng lên nhiều, tia nước tiểu yếu hơn, sau đó bí tiểu và nhập viện được đặt thông niệu đạo. Hiện tại, bệnh nhân vẫn còn ham muốn tình dục, sinh hoạt đều đặn trung bình 3-4 lần/tháng.

(2) Tiền căn: Tăng huyết áp đang điều trị với amlodipin 5mg. Ngoài ra không ghi nhận bệnh lý bất thường nào khác.

(3) Khám lâm sàng: Bệnh tỉnh tiếp xúc tốt. Không phù, hạch ngoại biên không to. Thăm khám trực tràng: tuyến tiền liệt to, # 40gr, chắc. Thông niệu đạo vàng trong. Các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường.

(4) Cận lâm sàng: PSA 2,99 ng/mL; Creatinin 1,01 mg/dL; BUN 13 mg/dL; Tổng phân tích nước tiểu (TPTNT): BC (-), Gluose (-), HC (-). Siêu âm ghi nhận tuyến tiền liệt kích thước 42ml, hai thận bình thường không ứ nước.

Tóm Tắt Bệnh Án

  • BN nam, 59 tuổi
  • Bí tiểu lần đầu, đang đặt thông niệu đạo
  • IPSS 14 (trước 1 tháng nhập viện); QoL 4/6
  • PSA 2,99 ng/mL
  • Creatinin 1,01 mg/dL; BUN 13 mg/dL
  • TPTNT: BC (-), Gluose (-) HC (-)
  • Khám trực tràng TTL to, 40gr, chắc

Chẩn Đoán

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Xác định các nhóm triệu chứng đường tiểu dưới (Lower Urinary Tract Syndrome - LUTS), gồm 3 nhóm:

Đánh giá mức độ triệu chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt qua thang điểm IPSS và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân này:

  • IPSS: 14 điểm (trước 1 tháng nhập viện).
  • Thang điểm chất lượng cuộc sống QoL là 4 (khó khăn).

Điều Trị

Trường hợp lâm sàng này, bệnh nhân thuộc nhóm tuổi 50-59 tuổi, với nhóm triệu chứng theo thang điểm IPSS được xếp mức độ trung bình (14 điểm), vẫn còn sinh hoạt tình dục.

Chỉ định tuyệt đối can thiệp ngoại khoa của bệnh lý tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn
  • Sỏi bàng quang
  • Đái máu tái diễn
  • Bí tiểu cấp tái diễn
  • Giãn niệu quản nguyên nhân từ tắc nghẽn do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt
  • Túi thừa bàng quang
  • Suy thận nguyên nhân từ tắc nghẽn do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Bệnh nhân này chưa có chỉ định can thiệp ngoại khoa (bí tiểu lần đầu). Theo hiệp hội Tiết niệu Châu Âu, các nhóm thuốc điều trị nội khoa trong bệnh lý tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt bao gồm: Chẹn alpha, chẹn alpha + ức chế 5 alpha reductase, hoặc phối hợp các nhóm thuốc khác như đối vận thụ thể muscarinic, ức chế PDE5, demopressin, thảo dược. Bệnh nhân vẫn còn sinh hoạt tình dục nên cần giải thích rõ tác dụng phụ liên quan đến tình dục khi sử dụng nhóm thuốc ức chế 5 alpha reductase phối hợp cùng nhóm chẹn alpha.

Thuốc chẹn alpha-1 có tác dụng chính làm ức chế tác dụng giải phóng nội sinh của noradrenaline trên tế bào cơ trơn tại tuyến tiền liệt, qua đó làm giảm trương lực tuyến tiền liệt và giảm tắc nghẽn đường ra bàng quang (Bladder outlet obstruction – BOO) [1].

Các thuốc chẹn alpha hiện có: alfuzosin, doxazosin, silodosin, tamsulosin, terazosin. Các nghiên cứu cho thấy rằng thuốc chẹn alpha-1 làm giảm IPSS khoảng 30-40% và tăng Qmax khoảng 20-25% [2, 3].

Các tác dụng phụ thường gặp nhất là suy nhược, chóng mặt, hạ huyết áp tư thế đứng [4] và đặc biệt là hội chứng mống mắt mềm có ảnh hưởng đến các bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể [5]. Thuốc chẹn apha-1 không ảnh hưởng xấu đến ham muốn tình dục, có tác dụng có lợi đối với chức năng cương, nhưng có thể gây xuất tinh bất thường (thường nhất là xuất tinh ngược dòng) [6].

Thuốc chẹn alpha-1 thường được coi là thuốc điều trị đầu tay cho LUTS ở nam giới vì cho tác dụng nhanh và hiệu quả tốt, đồng thời tỉ lệ và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ có thể chấp nhận được.

Alfuzosin là thuốc chẹn alpha-1 không đi kèm với tăng nguy cơ rối loạn xuất tinh [7]. So sánh với alfuzosin 10 mg x 1 lần mỗi ngày, tỷ lệ chung các tác dụng phụ về chức năng tình dục trong các thử nghiệm lâm sàng không khác biệt so với giả dược. Ít hơn 1% số bệnh nhân điều trị với alfuzosin có xuất tinh bất thường [8].

Alfuzosin 10mg một lần mỗi ngày giúp thuận lợi cho bệnh nhân tự đi tiểu trở lại ở những trường hợp bí tiểu cấp [9, 10]. Sử dụng alfuzosin 10mg một lần mỗi ngày giúp giảm nguy cơ 30-60% bí tiểu cấp trở từ lại trong khoảng thời gian 6 tháng [10].

Quay lại trường hợp lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bí tiểu lần đầu do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đã được đặt thông niệu đạo, hiện vấn đề bệnh nhân chủ yếu ở nhóm triệu chứng tắc nghẽn và nhóm triệu chứng chứa đựng chỉ ở mức độ nhẹ nên bệnh nhân có chỉ định điều trị nội khoa với thuốc đầu tay là thuốc chẹn alpha.

Kết quả: bệnh nhân được sử dụng alfuzosin 10mg 01 viên uống mỗi ngày, trong vòng 1 tuần. Sau đó, bệnh nhân được rút thông niệu đạo, có cải thiện triệu chứng tắc nghẽn, tự đi tiểu. Bệnh nhân được siêu âm bụng lại sau 1 tuần, thể tích tuyến tiền liệt 45ml, thể tích nước tiểu tồn lưu 20ml.

Bệnh nhân tiếp tục được sử dụng alfuzosin 10mg mỗi ngày là được khám lượng giá lại triệu chứng đường tiết niệu dưới mỗi 4 tuần sau đó.

Kết Luận

LUTS/BPH là bệnh lý thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Mục tiêu điều trị của LUTS/BPH bao gồm: giảm triệu chứng, giảm tiến triển, nâng cao chất lượng sống và giới hạn tác dụng phụ của thuốc. Thuốc chẹn alpha là lựa chọn đầu tay trong trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có triệu chứng và muốn điều trị.

  1. M. C. Michel, et al. (2006) “Alpha1-, alpha2- and beta-adrenoceptors in the urinary bladder, urethra and prostate”. Br J Pharmacol, 147 Suppl 2 (Suppl 2), S88-119;
  2. B. Djavan, et al. (2004) “Longitudinal study of men with mild symptoms of bladder outlet obstruction treated with watchful waiting for four years”. Urology, 64 (6), 1144-8;
  3. M. C. Michel, et al. (1998) “Comparison of tamsulosin efficacy in subgroups of patients with lower urinary tract symptoms”. Prostate Cancer Prostatic Dis, 1 (6), 332-335;
  4. J. C. Nickel, et al. (2008) “A meta-analysis of the vascular-related safety profile and efficacy of alpha-adrenergic blockers for symptoms related to benign prostatic hyperplasia”. Int J Clin Pract, 62 (10), 1547-59;
  5. D. F. Chang, et al. (2005) “Intraoperative floppy iris syndrome associated with tamsulosin”. J Cataract Refract Surg, 31 (4), 664-73;
  6. M. M. van Dijk, et al. (2006) “Effects of alpha (1)-adrenoceptor antagonists on male sexual function”. Drugs, 66 (3), 287-301;
  7. H. Lepor (1998) “Phase III multicenter placebo-controlled study of tamsulosin in benign prostatic hyperplasia. Tamsulosin Investigator Group”. Urology, 51 (6), 892-900;
  8. C. G. Roehrborn (2001) “Efficacy and safety of once-daily alfuzosin in the treatment of lower urinary tract symptoms and clinical benign prostatic hyperplasia: a randomized, placebo-controlled trial”. Urology, 58 (6), 953-9;
  9. McNeill SA, et al. (2004) “Alfuzosin once daily facilitates return to voiding in patients with acute urinary retention”. J Urol 171: 2316–2320, 2004;
  10. McNeill SA, et al. (2005) “Alfuzosin 10 mg once daily in the management of acute urinary retention: results of a double-blind placebo-controlled study”. Urology. 2005 Jan;65(1):83-9.