Skip To Main Content
  • Article
  • Source: Campus Sanofi

TĐCCG: Phòng Ngừa Cúm Mùa Ở Người Cao Tuổi Và Người Có Bệnh Nền Mạn Tính: Liệu Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn?

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp rất phổ biến và được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Cúm mùa xảy ra hàng năm với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 5%-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em.  Trong số các ca nhiễm, có khoảng 3- 5 triệu ca bệnh nặng và làm tử vong từ 290.000 – 650.000 người mỗi năm. Các tác động của Cúm mùa còn trầm trọng hơn trên nhóm người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có bệnh nền mạn tính đi kèm. 

Nhằm cập nhật các thông tin khoa học mới nhất từ góc nhìn lâm sàng và góc nhìn dịch tễ học, đồng thời thảo luận các rào cản để vượt qua nhằm nâng cao tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin Cúm mùa, Hội Lão Khoa Việt Nam với sự tài trợ của công ty Sanofi Aventis Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm cùng chuyên gia “Cúm mùa ở người cao tuổi và người có bệnh nền mạn tính: Liệu chúng ta có thể làm tốt hơn?” ngày 20/04/2024. Hội thảo được điều hành bởi PGS.TS.BS. Nguyễn Trung Anh; Chủ tịch Hội Lão Khoa Việt nam, thu hút hơn 40 chuyên gia y tế trong lĩnh vực Lão Khoa, Nhiễm và Y học dự phòng tham dự. Dưới đây là tóm tắt nội dung các bài trình bày và thảo luận:

Thời gian Nội dung
15:00 – 15:10  

Phát biểu chào mừng
ĐẠI DIỆN SANOFI

Phát biểu khai mạc
PGS. TS. NGUYỄN TRUNG ANH

15:10 – 15:40   Những câu hỏi khái quát các khía cạnh Cúm mùa ở Việt Nam
PGS. TS. PHẠM QUANG THÁI
15:40 - 16:10 Gánh nặng Cúm mùa trên người cao tuổi và vai trò của vắc-xin - những dữ liệu ở Việt Nam và thế giới
PGS. TS. VŨ THỊ THANH HUYỀN
16:10 -  17:20

Thảo luận mở: Phòng ngừa Cúm mùa ở người cao tuổi và người có bệnh nền mạn tính: Liệu chúng ta có thể làm tốt hơn? 
PGS. TS. NGUYỄN TRUNG ANH

PGS. TS. VŨ THỊ THANH HUYỀN

PGS. TS. PHẠM QUANG THÁI

17:20 - 17:30 Phát biểu bế mạc 
PGS. TS. NGUYỄN TRUNG ANH
17:45 - 19:00 Ăn tối

Chủ tọa:
PGS. TS. Nguyễn Trung Anh
Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam
 
PGS. TS. Vũ Thị Thanh Huyền
Tổng thư ký Hội Lão khoa Việt Nam 

PGS. TS. Phạm Quang Thái
Phó khoa KSBTN, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương

Cúm mùa và vắc-xin cúm mùa – Những câu hỏi khái quát các khía cạnh Cúm mùa ở VN

PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái
Phó khoa Kiểm Soát Bệnh Truyền Nhiễm, Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương

Cúm và vắc-xin cúm mùa cứ ngỡ là chuyện xưa cũ nhưng trong thực hành tư vấn tiêm chủng hàng ngày có rất nhiều câu hỏi phát sinh cần giải đáp. Bài trình bày của PGS. Phạm Quang Thái lần lượt giúp trả lời 10 câu hỏi thường gặp về cúm mùa và vắc-xin cúm mùa trong đó có 3 chủ đề được nhấn mạnh, lôi kéo sự chú ý của các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm:

Liệu Cúm có chỉ là bệnh vặt?

Dường như ai cũng từng mắc cúm và hầu hết trường hợp nhiễm cúm sẽ tự hồi phục sau 2-4 ngày làm mọi người dễ có quan niệm cúm chỉ là bệnh vặt. Tuy nhiên cúm có thể diễn tiến nặng, gây ra nhiều chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nhất là trên các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Hình tượng tảng băng trôi có lẽ là hình ảnh minh họa sống động và dễ hiểu nhất cho gánh nặng bệnh tật của cúm mùa khi các triệu chứng thấy được của cúm được ví như phần nổi của tảng băng còn phần chìm rất to lớn và khó nhận thấy là những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cúm gây ra(1,2).

Khái niệm mới Protect Beyond Flu – Bảo vệ khỏi nhiễm cúm và hơn thế nữa.

Cúm có thể gây biến chứng trực tiếp lên hệ hô hấp hay có thể là tác nhân châm ngòi cho nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não, làm nặng thêm các bệnh lý nền có sẵn như bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… 

Tiêm vắc-xin phòng Cúm không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc Cúm (bề nổi của tảng băng) mà còn giúp giảm nguy cơ các tác động thực tế của cúm ít được nhắc đến (phần chìm của tảng băng). 

Tiêm vắc-xin ngừa Cúm ngoài việc giúp giảm nguy cơ nhiễm Cúm còn làm giảm nguy cơ gặp các biến chứng do Cúm gây ra, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong có liên quan đến Cúm như viêm phổi, nhồi máu cơ tim, đợt cấp bệnh phổi mạn tính, tình trạng nặng thêm của đái tháo đường, bệnh lý thận mạn tính. Các lợi ích lâm sàng này chính là ý nghĩa “hơn thế nữa” (protect beyond flu) của vắc-xin phòng cúm và những lợi ích lâm sàng này đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng ở nhiều nhóm bệnh nhân khác nhau với vắc-xin cúm bất hoạt dạng mảnh(3,4,5). 

Loại vắc-xin cúm mùa nào là phù hợp hơn cho người cao tuổi?

Có nhiều loại vắc-xin cúm mùa khác nhau tùy thuộc cách phân loại: vắc-xin bất hoạt và vắc-xin sống giảm độc lực; vắc-xin tam giá (TIV) và tứ giá (QIV); vắc-xin liều chuẩn (standard dose) và  liều cao (high dose); vắc-xin sản xuất trên phôi trứng gà và vắc-xin nuôi cấy trên tế bào, vắc-xin tái tổ hợp, vắc-xin công nghệ mRNA. 

Với vắc-xin bất hoạt, hiện đang có 2 loại vắc-xin là dạng mảnh và dạng tiểu đơn vị. Ở người lớn > 50 tuổi, vắc-xin dạng mảnh có hiệu lực vắc-xin cao hơn (VE = 77,8% vs. 44,3%). Chỉ có vắc-xin cúm bất hoạt dạng mảnh mới có các thử nghiệm lâm sàng chứng minh về hiệu quả lâm sàng giúp giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tỉ lệ tử vong liên quan đến cúm. 

Ở người cao tuổi, vắc-xin cúm liều cao giúp tăng hiệu giá kháng thể sau tiêm, tăng hiệu lực chống nhiễm cúm và làm giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong liên quan đến cúm so với liều chuẩn nên được WHO và US-CDC khuyến cáo lựa chọn cho người cao tuổi. Vắc-xin này hiện đang trong quá trình xin phép nhập khẩu và chưa sẵn có ở Việt nam. 

Quý bác sĩ có thể tham khảo file pdf bài trình bày tại  ĐÂY.

1.    WHO, Influenza (Seasonal) fact sheet. Available at: Influenza (Seasonal) (who.int)
2.    Macias et al. Vaccine. 2021;39 (Suppl 1):A6-A14. 
3.    Omer SB, Clark DR, Madhi SA,Tapia MD, Nunes MC, et al. Efficacy, duration of protection, birth outcomes, and infant growth associated with influenza vaccination in pregnancy: a pooled analysis of three randomised controlled trials. Lancet Respir Med. 2020;8:597-608.
4.    Pepin S, Samson SI, Alvarez FP, Dupuy M, Gresset-Bourgeois V, De Beuijn I. Impact of a quadrivalent inactivated influenza vaccine on influenza associated complications and health care use in children aged 6 to 35 months: Analysis of data from a phase III trial in the northern and southern hemispheres. Vaccine. 2019;37:1885-1888.
5.    Frobert O, Gotberg M, Erlinge D, et al. Influenza vaccination after myocardial infarction: a randomized double-blind, placebo-controlled, multicenter trial. Circulation. 2021;144(18):1476-1484.

Gánh nặng Cúm mùa trên người cao tuổi và vai trò của vắc-xin – Những dữ liệu ở Việt nam và các nước trên thế giới

PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền 
Tổng thư ký Hội Lão Khoa Việt Nam

Người cao tuổi thường mang trong mình nhiều bệnh lý mạn tính; tuổi càng cao, số bệnh mạn tính đi kèm càng cao. Ở tuổi trên 65, nhiều người mang trong mình từ 2 đến hơn 6 bệnh lý mạn tính(1); các bệnh thường gặp nhất là cao huyết áp, tăng cholesterol máu, bệnh về khớp, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường …(2). Nhiễm cúm góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể phục hồi trở lại đầy đủ chức năng trước đó khi đã qua khỏi nhiễm trùng. 

Cúm có thể gây biến chứng trực tiếp lên hệ hô hấp hoặc gián tiếp lên hệ thống đa cơ quan: nhiễm cúm châm ngòi cho nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay làm nặng thêm bệnh thận hay bệnh đái tháo đường có sẵn(3).   

Đối với người cao tuổi (+65 tuổi), nguy cơ tử vong do cúm cao hơn gấp 5 lần nếu có bệnh tim mạch, gấp 12 lần nếu có bệnh phổi mạn tính và gấp hơn 20 lần nếu vừa có bệnh tim, bệnh phổi (4)

Tiêm phòng vắc-xin cúm mùa giúp làm giảm nguy cơ mắc cúm, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong trên những bệnh nhân suy tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn, đái tháo đường:

-    Trên bệnh nhân tim mạch: giảm nguy cơ tử vong 48%, giảm nguy cơ nhập viện vì suy tim 19%, nhập viện vì bệnh mạch vành 20%(5)

-    Trên bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): giảm nguy cơ nhập viện 52%, nguy cơ tử vong # 70% (6)

-    Trên bệnh nhân có đái tháo đường: giảm 56% nguy cơ các biến chứng, 54% nguy cơ nhập viện, 58% số ca tử vong (7)

Do vai trò tích cực của vắc-xin phòng Cúm, nhiều tổ chức y tế và hiệp hội chuyên khoa như Tổ chức y tế thế giới (WHO), US-CDC, Bộ Y Tế Việt nam, Hội Tim mạch Hoa Kỳ, Hội Tim mạch châu Âu, các tổ chức GOLD, GINA, Hội Đái Tháo đường Hoa Kỳ… đều khuyến cáo cần tiêm phòng cúm trên người cao tuổi, và người có bệnh nền mạn tính. 

Quý bác sĩ có thể tham khảo file pdf bài trình bày tại ĐÂY.

1.     Centers for Medicare & Medicaid Services. Baltimore, MD. 2012, p 11. 
2.     NCOA, 2023. 10 common chronic conditions for Adult 65+. Available at The Top 10 Most Common Chronic Diseases for Older Adults (ncoa.org) 
3.    US-CDC, 2016. Available at https: www.cdc.gov/flu/about/disease/high_risk.htm.  Accessed on 14DEC2016   
4.    Dena L. Schanzer et al., 2008. Co-morbidities associated with influenza-attributed mortality,1994–2000, Canada. Vaccine 26 (2008) 4697-4703
5.    Nichol et al. N Engl J Med 2003;348:1322-32.
6.    Nichol et.al. Annals of internal Medicine 1999; 130: 397-403
7.    Ingrid Looijmans-Van den Akker et al, 2006. Clinical effectiveness of first and repeat influenza vaccination in adult and elderly diabetic patients. Diabetes Care 2006 Aug;29(8):1771-6. doi: 10.2337/dc05-2517

Thảo luận mở: Phòng ngừa cúm mùa ở người cao tuổi và người có bệnh nền mạn tính: Liệu chúng ta có thể làm tốt hơn?

PGS. TS. Nguyễn Trung Anh
Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam 

PGS. TS. Vũ Thị Thanh Huyền
Tổng thư ký Hội Lão khoa Việt Nam 

PGS. TS. Phạm Quang Thái
Phó khoa KSBTN, Viện VSDTTW 

Mở đầu phiên thảo luận, PGS Nguyễn Trung Anh, tóm lược lại gánh nặng bệnh tật của cúm và thực trạng tiêm phòng cúm ở Việt Nam. Dù chưa có các dữ liệu chính xác từ các nghiên cứu khoa học hay từ cơ quan quản lý nhà nước, tỉ lệ tiêm phòng cúm qua các báo cáo nghiên cứu thị trường là khá thấp, chỉ khoảng 5-6% dân số.  

Các rào cản tiêm phòng bao gồm nhận thức sai, cho rằng cúm chỉ là bệnh vặt, người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính thì sức khỏe yếu không nên tiêm phòng, đầu tư cho phòng bệnh còn thấp so với điều trị, cúm chưa nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, còn đó khoảng cách giữa hệ thống điều trị và dự phòng... 

Thảo luận về các giải pháp để làm tăng tỉ lệ tiêm phòng cúm ở người cao tuổi và người có bệnh nền mạn tính cho thấy có hai yếu tố quan trọng thúc đẩy người dân tiêm vắc-xin phòng Cúm: (i) tin tức giáo dục trên các kênh truyền thông, (ii) khuyến cáo tiêm vắc-xin từ bác sĩ đang điều trị cho người bệnh. Để tư vấn, khuyến cáo tốt, bác sĩ cần có kiến thức sâu rộng về bệnh cúm, về vắc-xin và kỹ năng tư vấn tốt. 

Khảo sát nhanh “Liệu bác sĩ có đồng ý việc tiêm phòng Cúm mùa cho người cao tuổi / người có bệnh lý nền là rất quan trọng và cần thiết?”; 100% các chuyên gia dự tọa đàm đồng ý với nhận định này trong đó có 1 chuyên gia (2%) đồng ý nhưng có thêm ý kiến chia sẻ. Các trao đổi xoáy sâu vào tình trạng thiếu thông tin về các biến chứng của cúm, tình trạng thiếu phòng tiêm nhất là ở bệnh viện nơi đang điều trị các bệnh nhân có bệnh nền mạn tính… 

Kết thúc buổi tọa đàm, PGS Nguyễn Trung Anh, Chủ tịch Hội Lão Khoa kêu gọi cùng hành động để phá vỡ các rào cản và làm tăng tỉ lệ tiêm phòng cúm cho mọi người, đặc biệt trên đối tượng người cao tuổi và người có bệnh nền. Nhiều giải pháp khả thi có thể thực hiện ngay bao gồm: bác sĩ phải hiểu thấu đáo về gánh nặng bệnh cúm và tăng cường khuyến cáo tiêm phòng cúm đến người dân nhất là các đối tương nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính; tăng cường các hoạt động truyền thông về cúm đến cộng đồng; tổ chức thêm các phòng tiêm ở bệnh viện để người đang điều trị bệnh dễ dàng tiếp cận và tiêm phòng vắc-xin. 

 
Quý bác sĩ có thể tham khảo file pdf các ý chính thảo luận tại ĐÂY.